Thị trường ngày 26/1: Giá dầu tăng hơn 2%, vàng, nhôm, quặng sắt đồng loạt tăng

Chốt phiên giao dịch ngày 25/1 lo ngại nguy cơ địa chính trị trên toàn cầu khiến giá dầu tăng hơn 2%, vàng đạt đỉnh trong hơn hai tháng, nhôm và quặng sắt tăng trong khi cao su ở mức thấp nhất 4 tuần.

Dầu tăng do lo ngại nguy cơ chính trị trên toàn cầu

Giá dầu tăng hơn 2% do lo ngại nguồn cung có thể trở nên thắt chặt bởi căng thẳng Ukraina – Nga, các mối đe dọa cơ sở hạ tầng tại UAE và OPEC+ chật vật để đạt được mục tiêu tăng trưởng hàng tháng của họ.

Các nhà phân tích lưu ý rằng giá dầu tăng bất chất thị trường chứng khoán sụt giảm và khả năng tăng lãi suất của Cục dự trữ liên bang Mỹ.

Chốt phiên 25/1, dầu thô Brent tăng 1,93 USD hay 2,2% lên 88,2 USD/thùng, trong khi dầu WTI tăng 2,29 USD hay 2,8% lên 85,6 USD/thùng.

Chuyên gia phân tích thị trường tại OANDA cho biết những nguy cơ địa chính trị khiến giá dầu thô tăng khi thị trường dầu mỏ thắt chặt vốn đang phải đối mặt với hàng tồn kho thấp, dường như dễ bị thiếu hụt trong những tháng tới.

Các quan chức của chính quyền Biden cho biết Mỹ đang đàm phán với các nước và công ty sản xuất dầu lớn trên thế giới về khả năng chuyển hướng cung cấp cho Châu Âu nếu Nga tấn công Ukraina.

Tại Trung Đông, phong trào Houthi liên kết với Iran tại Yemen đã triển khai một cuộc tấn công tên lửa hôm 24/1 nhằm vào UAE nhưng đã bị ngăn chặn bởi các tên lửa đánh chặn Patriot do Mỹ chế tạo.

Cũng bổ sung thêm lo ngại về nguồn cung là khó khăn của OPEC+ để đạt được mục tiêu tăng sản lượng hàng tháng 400.000 thùng/ngày.

Trong khi đó, tại Iran, các cuộc đàm phán nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân 2015 với các cường quốc Phương Tây đang đi vào bế tắc.

Tồn kho dầu của Mỹ giảm cũng hỗ trợ giá một phần, dự trữ dầu thô tại Cushing, Oklahoma, ở mức thấp nhất đối với thời điểm này trong năm kể từ năm 2012.

Thị trường đang đợi báo cáo tồn kho của Mỹ từ Viện Dầu khi Mỹ (API) và từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ. Các nhà phân tích dự kiến tồn kho dầu thô Mỹ tuần mới nhất sẽ giảm 700.000 thùng.

Vàng đạt đỉnh trong hơn hai tháng

Giá vàng đạt mức cao nhất trong hơn hai tháng do lo ngại căng thẳng địa chính trị về Ukraina và trước cuộc họp của Cục dự trữ liên bang Mỹ có thể đưa ra những manh mối về kế hoạch thắt chặt chính sách tiền tệ của họ.

Vàng giao ngay tăng 0,5% lên 1.852,03 USD/ounce, sau khi đạt 1.852,65 USD mức cao nhất kể từ ngày 19/11/2021. Vàng Mỹ kỳ hạn tháng 2 đóng cửa tăng 0,6% lên 1.852,5 USD/ounce.

Các nhà đầu tư đợi manh mối về mức độ tích cực của Fed trong những tháng còn lại của năm nay và liệu họ sẽ báo hiệu nhiều đợt tăng lãi suất hơn nữa để kiềm chế lạm phát hay không.

Vàng dường như không để tâm tới áp lực từ USD khi đồng tiền này chạm mức đỉnh 2 tuần.

Giá nhôm tăng

Nhôm không để ý tới tâm lý u ám đè nặng lên thị trường tài chính, giá tăng do lo lắng về nguồn cung từ Nga vì khủng hoảng Ukraina.

Công ty Rusal của Nga là một trong những nhà sản xuất nhôm lớn nhất thế giới và giá đã tăng vọt trong năm 2018 lên mức cao nhất trong 7 năm khi Mỹ áp đặt các lệnh trừng phạt với công ty này.

Giá nhôm giao sau 3 tháng trên sàn giao dịch kim loại London (LME) tăng 1,9% lên 3.086 USD/tấn, trái ngược với các kim loại khác đang giảm giá.

Các thị trường tài chính toàn cầu lo lắng về căng thẳng ngày càng tăng ở Ukraina và trước cuộc họp của Cục dự trữ liên bang Mỹ. Cổ phiếu toàn cầu có thể có tháng giảm mạnh nhất kể từ khi đại dịch tác động tới thị trường trong tháng 3/2020.

Hầu hết các kim loại cơ bản tiếp tục giảm sau khi giảm mạnh trong phiên trước đó.

Quặng sắt tăng

Giá quặng sắt tại Trung Quốc và Singapore tăng sau khi công ty khai thác mỏ Fortescue Metals Group đưa ra lo ngại về tình trạng thiếu hụt lao động tại Australia vì hạn chế do Covid-19 có thể cản trở sản lượng và vận chuyển quặng sắt này.

Các đối thủ lớn hơn là BHP Group và Rio Tinto cũng cảnh báo gián đoạn từ tình trạng thiếu lao động khi Australia đối mặt với sự gia tăng của các trường hợp nhiễm biến thể Omicron.

Hợp đồng quặng sắt kỳ hạn tháng 5 trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên đóng cửa tăng 1,4% lên 766,6 CNY (121,14 USD)/tấn.

Tại Singapore hợp đồng quặng sắt kỳ hạn tháng 3 tăng 2,5% lên 136,2 USD/tấn.

Fortescuy, công ty khai thác quặng sắt lớn thứ 4 thế giới đã công bố lượng hàng xuất trong quý 2 tăng 2%, nhưng chịu áp lực từ nhu cầu cầu lao động và nguồn tài nguyên lớn cũng như những hạn chế trong chuỗi cung ứng vì đại dịch.

Các nhà phân tích cho biết những lo ngại về nguồn cung có thể hỗ trợ quặng sắt phục hồi trong tháng này, trong bối cảnh Trung Quốc tăng cường các nỗ lực nới lỏng tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế đang chậm lại.

Nhưng hiện tại, lạc quan của các nhà đầu tư có thể bị giảm trước đợt nghỉ Tết Nguyên Đán tại Trung Quốc từ 31/1 tới 6/2, và hoạt động tại các nhà máy thép dự kiến vẫn bị hạn chế đến hết tháng 2 để cải thiện chất lượng không khí.

Thép thanh tại Thượng Hải tăng 0,2% trong khi thép cuộn cán nóng tăng 0,6%. Thép không gỉ giảm 6,2% theo xu hướng của nickel, thành phần quan trọng để sản xuất thép này.

Cao su Nhật Bản giảm xuống mức thấp nhất 4 tuần

Giá cao su tại Nhật Bản giảm phiên thứ ba liên tiếp xuống mức thấp nhất trong 4 tuần do các nhà đầu tư lo ngại về tốc độ thắt chặt chính sách tiền tệ nhanh hơn của Cục dự trữ liên bang, điều này có thể làm chậm kinh tế toàn cầu.

Hợp đồng cao su giao tháng 6 trên sàn giao dịch Osaka đóng cửa giảm 5 JPY hay 2,1% xuống 233,2JPY (2,1 USD)/kg, sau khi chạm mức thấp nhất kể từ ngày 29/12/2021 tại 233 JPY trong đầu phiên giao dịch này.

Cũng gây áp lực lên tâm lý là chỉ số Nikkei của Nhật Bản giảm xuống mức thấp nhất trong 5 tháng do lo lắng về tình trạng tại Ukraina, nguy cơ lạm phát và tốc độ tăng lãi suất của Mỹ nhanh hơn dự kiến.

Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 5 tại sàn giao dịch Thượng Hải giảm 165 CNY hay 1,1% xuống 14.310 CNY (2.261 USD)/tấn. Trong đầu phiên giao dịch giá đã giảm xuống 14.235 CNY, mức thấp nhất kể từ ngày 27/12/2021.

Cà phê arabica tăng hơn 2%

Cà phê arabica kỳ hạn tháng 3 tăng 4,95 US cent hay 2,1% lên 2,379 USD/lb.

Các đại lý cho biết thị trường này có một số hỗ trợ sau khi giảm mạnh gần đây khi bị bán tháo tổng thể với các mặt hàng nông sản khác do khả năng Cục dự trữ liên bang Mỹ sớm thắt chặt chính sách tiền tệ.

Các đại lý cũng lưu ý rằng nhu cầu cà phê nhìn chung có khả năng phục hồi và có thể tốt hơn một số mặt hàng khác nếu triển vọng kinh tế trở nên giảm sút hơn. Họ lưu ý rằng triển vọng giá cà phê có thể phụ thuộc vào mức độ ảnh hưởng bất lợi của băng giá và hạn hán năm ngoái đối với vụ mùa sắp tới tại Brazil.

Cà phê robusta kỳ hạn tháng 3 tăng 40 USD hay 1,8% lên 2.237 USD/tấn.

Giá đường giảm

Đường thô kỳ hạn tháng 3 giảm 0,03 US cent hay 0,2% xuống 18,78 US cent/lb.

Các đại lý cho biết USD mạnh hơn tạo ra một số áp lực giảm giá.

Xuất khẩu đường của Brazil có diễn biến xấu trong tháng 1, với số liệu sơ bộ từ Bộ Thương mại cho thấy khối lượng giảm 31% tính tới tuần thứ 3 của tháng này.

Đường trắng kỳ hạn tháng 3 giảm 0,5 USD hay 0,1% xuống 504 USD/tấn.

Lúa mì gần mức đỉnh hai tháng, ngô cao nhất kể từ tháng 6/2021

Lúa mì Chicago gần mức đỉnh hai tháng do lo sợ Nga tấn công Ukraina khiến các thương nhân lo lắng về khả năng gián đoạn nguồn cung từ nhà xuất khẩu này.

Sự gián đoạn dòng ngũ cốc từ khu vực Biển Đen có thể khiến các nhà nhập khẩu tranh giành các lựa chọn thay thế nhu lúa mì của EU và Mỹ đồng thời tiếp tục khiến lạm phát lương thực.

Lúa mì CBOT đóng của tăng 17-1/2 US cent lên 8,18 USD/bushel và trong phiên đã đạt mức cao nhất kể từ ngày 29/11 tại 8,31-1/2 USD.

Ngô đóng cửa giảm 1 US cent xuống 6,2 USD/bushel sau khi chạm mức cao nhất kể từ tháng 6/2021 tại 6,31 USD.

Đậu tương tăng 4-1/4 US cent lên 14,07-1/4 USD/bushel.

Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 26/1:

Theo Trí thức trẻ
 

Giá thép liệu có đảo chiều năm 2022

Năm 2021 là một năm thành công đối với ngành thép. Chính vì vậy, giá thép trong năm 2022 luôn nhận được nhiều sự quan tâm. Một số chuyên gia cho rằng, mặt bằng giá thép sẽ tiếp tục neo ở mức cao, ít nhất trong nửa đầu năm 2022.

Tính đến đầu tháng 12/2021, giá thép xây dựng tuy có giảm nhẹ 200-300 đồng/kg nhưng vẫn đứng ở mức 15.900-16.000 đồng/kg. Nhiều doanh nghiệp trong ngành như: Hòa Phát, Hoa Sen, Nam Kim đã có một năm bứt tốc nhờ giá bán tăng và đẩy mạnh kênh xuất khẩu.

Một số chuyên gia cho rằng, mặt bằng giá thép sẽ tiếp tục neo ở mức cao, ít nhất trong nửa đầu năm 2022. Nguyên nhân là do nhiều dự án bất động sản đang trong quá trình triển khai đã bị hoãn lại do ảnh hưởng giãn cách xã hội, nhưng từ đầu năm sau, các dự án này sẽ nhanh chóng được triển khai để đáp ứng yêu cầu về tiến độ đã cam kết với khách hàng.

Ngoài ra, năm 2022 sẽ chứng kiến nhiều dự án đầu tư công có quy mô lớn khởi công, đáng kể, nhất là các tuyến cao tốc Bắc – Nam, sân bay quốc tế Long Thành và các tuyến vành đai… sẽ giúp lượng thép tiêu thụ phục hồi mạnh mẽ trong thời kỳ thích ứng với đại dịch Covid-19. Nhìn chung, những tín hiệu tích cực từ động lực đầu tư công và sự phục hồi ngành bất động sản trên toàn quốc sẽ giúp ngành thép tiếp tục sôi động.

Mặt khác, giá nguyên liệu đầu vào của các nhà máy luyện thép tăng (cùng xu thế tăng giá dầu) khiến cho phí sản xuất thép thành phẩm khó lòng giảm nhiệt. Đơn cử, giá than cốc từ đầu năm 2021 liên tục tăng do nhu cầu năng lượng tăng mạnh từ các quốc gia. Trong tương lai dài hạn, các chuyên gia cho rằng giá than sẽ dần hạ nhiệt, nhưng vẫn sẽ ở mức cao so với trước.

Trao đổi về vấn đề này, ông Narendran, Giám đốc điều hành của Tập đoàn thép Tata Steel, cho biết cuối năm 2021, giá trung bình của thép cuộn cán nóng (HRC) khoảng 400 – 450 USD/tấn nhưng trong dài hạn, giá thép HRC này có thể đạt mức cao hơn vì nguồn cung từ Trung Quốc chững lại.

“Tôi kỳ vọng giá thép trong dài hạn sẽ tăng lên ngưỡng 600 USD/tấn, tất nhiên giá có thể biến động và biến động mạnh hơn so với những gì chúng ta từng thấy trong quá khứ”, ông Narendran nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp thép Việt đang cố gắng tận dụng cơ hội từ kênh xuất khẩu.

Theo số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), xuất khẩu sắt thép tăng ngay từ những tháng đầu năm 2021, do các hiệp định thương mại như CP-TPP, FTA Vietnam-EU sẽ giúp cho thép Việt có lợi thế cạnh tranh.

Các nhà sản xuất lớn trong nước như Hoà Phát, Tôn Hoa Sen hay Nam Kim đều đạt con số xuất khẩu ấn tượng. Sắt thép các loại của Việt Nam chủ yếu xuất khẩu vào các thị trường ASEAN, Trung Quốc, EU, Hoa Kỳ…

Dự báo trong nửa cuối 2022, mặt bằng giá thép có thể sẽ ổn định hơn khi tình trạng đứt gãy nguồn cung dần được giải quyết giúp chi phí vận chuyển nguyên vật liệu và thành phẩm thép thấp hơn.

Đồng thời, các nhà máy thép sẽ gia tăng sản lượng để giải quyết bài toán thiếu hụt sản phẩm.

“Giá thép xây dựng của Việt Nam có khả năng giảm xuống mức 14,3 – 13,6 triệu đồng/tấn vào năm 2022-2023, giảm lần lượt 8-5% so với 2021.

Bên cạnh đó, Công ty Chứng khoán BVSC dự báo giá thép xây dựng giảm xuống 14,5 triệu đồng/trong năm 2022, còn giá HRC dự báo giảm xuống 17 triệu đồng/tấn giảm 11,5% so với cùng kỳ trong năm 2022”, Công ty Chứng khoán VNDirect dự báo.

Nguồn tin: Sợ hữu trí tuệ

Thư cảm ơn – Chúc mừng năm mới 2022

Kính thưa: Quý Khách hàng, Đối tác, Cán bộ công nhân viên!

Trước tiên, Công ty Khôi Vĩnh Tâm xin chân thành cảm ơn sâu sắc tới Quý khách hàng, Đối tác, CBCNV đã đồng hành cùng Chúng tôi trong suốt thời gian qua. 

        Năm 2021 sắp khép lại với nhiều khó khăn bởi thiên tai, đại dịch, suy giảm kinh tế toàn cầu… Tuy nhiên, bằng sự nỗ lực không ngừng của mình, Công ty TNHH Khôi Vĩnh Tâm đã phần nào vượt qua được khó khăn và vẫn giữ được mục tiêu trọng tâm mà chúng tôi đã đề ra: Hàng Hóa Uy Tín Chất Lượng – Giá Cả Cạnh Tranh – Giao Hàng Tiến Độ – Giao  Hàng Mọi Nơi – Chất Lượng Sau Bán Hàng.

        Nhìn lại chặng đường năm qua, Công ty chúng tôi ghi nhận thêm được nhiều thành  công mới. Để có những thành tích đó, bên cạnh những nỗ lực của tập thể Khôi Vĩnh Tâm thì sự tin tưởng và sự ủng hộ của Quý khách hàng, đối tác và CBCNV chính là thành công lớn nhất  trong năm 2021 vừa qua. Nhân dịp năm mới 2022 Chúng tôi xin chân thành cảm ơn sự hợp tác quý báu từ Quý Khách hàng trong thời gian qua và mong tiếp tục nhận được sự hợp tác trong những năm tới.

      Một lần nữa Công ty Khôi Vĩnh Tâm kính chúc Quý Khách Hàng, Đối tác, CBCNV  một năm mới Sức Khỏe  – An Khanh Thịnh Vượng – Vạn Sự Như Ý – Tấn Tài Tấn Lộc.  Chúc cho sự hợp tác giữa Quý vị và Khôi Vĩnh Tâm ngày càng phát triển và vững bền!

Xin Trân trọng cảm ơn Quý vị!

THỊ TRƯỜNG THÉP THÁNG 11: SẢN XUẤT VÀ BÁN HÀNG THÉP CÓ THỂ CHỮNG LẠI TRONG TẾT NGUYÊN ĐÁN

Dự kiến năm 2022, tình hình sản xuất và bán hàng thép có thể chững lại khi có thời gian nghỉ Tết Nguyên Đán, khả năng dịch bệnh COVID-19 diễn biến khó khăn. Tăng trưởng sản xuất thép thô sẽ khoảng 8-10%; sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm thép thành phẩm có mức tăng trưởng tương ứng so với năm 2021.

Theo số liệu của Hiệp hội Thép Thế giới (Worldsteel), sản lượng thép thô thế giới của 64 quốc gia là 145,7 triệu tấn vào tháng 10, giảm 10,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng đầu năm 2021, sản xuất thép thô đạt 1607,1 triệu tấn, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong đó, Trung Quốc tiếp tục ghi nhận giảm mạnh về sản lượng trong tháng 10, đạt 71,6 triệu tấn, giảm 23,3% so với tháng 10/2020. Trong khi đó, các nước có sản lượng thép thô lớn khác như Ấn Độ, Nhật Bản, Mỹ, Nga, Hàn Quốc,…lại tăng từ 5,7% đến 10,6%.

Tại Việt Nam, trong tháng 11, các Bộ, ngành và địa phương nỗ lực tập trung thực hiện các giải pháp, tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình đầu tư công. Trong đó, tình hình sản xuất thép xây dựng đạt kết quả tốt so với tháng trước và cùng kỳ 2020, tuy nhiên sản lượng bán hàng trong tháng giảm. 

Theo báo cáo chiến lược triển vọng thị trường thép năm 2022 của VNDirect, công ty chứng khoán này dự báo giá thép xây dựng của Việt Nam sẽ đạt 15.500 đồng/kg vào năm 2021 tăng 38% so với cùng kỳ, trước khi giảm xuống mức 14.300 đồng/kg-13.600 đồng/kg vào năm 2022-2023, giảm lần lượt 8%-5% so với cùng kỳ. Mặc dù giá thép giảm nhưng VNDirect cho rằng nhu cầu cao hơn sẽ bù đắp cho giá bán đầu ra giảm.

Còn theo dự báo của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), dự kiến năm 2022, tình hình sản xuất và bán hàng thép có thể chững lại khi có thời gian nghỉ Tết Nguyên Đán, khả năng dịch bệnh COVID-19 diễn biến khó khăn. Tăng trưởng sản xuất thép thô sẽ khoảng 8-10%; sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm thép thành phẩm có mức tăng trưởng tương ứng so với năm 2021.

Nguồn tin: Vietnambiz

Dự án cải tạo cụm nút giao thông phía Tây cầu Trần Thị Lý

Công trình cải tạo cụm nút giao thông phía Tây cầu Trần Thị Lý đã được UBND TP Đà Nẵng phê duyệt tại Quyết định số 3291/QĐ-UBND ngày 25/7/2019 với số tiền đầu tư gần 724 tỉ đồng.

Cấp công trình độc lập trong dự án gồm: cầu, hầm, đường giao thông cấp II. Liên danh nhà thầu gồm CTCP Tập đoàn Cienco 4, CTCP Xây dựng Xuân Quang, Tổng Công ty 319 Bộ Quốc phòng, Công ty TNHH Xây dựng Thành Phát. Dự án dự kiến hoàn thành vào ngày 2/9/2021.

Công trình được đầu tư nhằm mục đích cải thiện tình trạng ùn tắc giao thông và môi trường tại khu vực cụm nút, giảm tải các tuyến đường chính qua khu vực bờ Đông như nút giao đường Trần Phú, Nguyễn Văn Linh, Xô Viết Nghệ Tĩnh.

Đặc biệt giảm thiểu ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm; tạo nên một trục giao thông hoàn chỉnh kết nối với sân bay quốc tế Đà Nẵng và biển phía Đông, tạo điều kiện thuận lợi cho việc nâng cao công suất phục vụ của sân bay quốc tế Đà Nẵng và tổ chức giao thông mạng lưới đường đô thị cho khu vực trung tâm thành phố.

Phối cảnh nút giao phía Tây cầu Trần Thị Lý

Thép Khôi Vĩnh Tâm™ được vinh dự là một trong những nhà cung ứng thép và vật tư công trình cho Dự án trọng điểm này.

 

Thép Hòa Phát Dung Quất đề xuất đầu tư thêm nhiều Dự án sản xuất lớn tại Quảng Ngãi

Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất đã đề xuất đầu tư mở rộng các dự án sản xuất, sau khi đã hoàn thành Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 1.

Thực hiện cam kết trong Thỏa thuận hợp tác chiến lược dài hạn với tỉnh Quảng Ngãi, mới đây Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất đã đề xuất đầu tư mở rộng các dự án sản xuất, sau khi đã hoàn thành Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 1.

Đề xuất này phù hợp với định hướng phát triển công nghiệp của Khu kinh tế Dung Quất, đồng thời khép kín chuỗi giá trị hệ sinh thái các sản phẩm của tập đoàn này.

Ông Mai Văn Hà, Giám đốc Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất cho biết, Hòa Phát xác định tỉnh Quảng Ngãi là địa bàn trọng điểm để tập trung nguồn lực đầu tư, sản xuất kinh doanh trong dài hạn.

Mặt khác, Khu kinh tế Dung Quất có lợi thế về vị trí địa lý, có cảng biển nước sâu, rất phù hợp để đầu tư mở rộng sản xuất thép và các lĩnh vực phụ trợ. Do đó, Hòa Phát Dung Quất đề xuất thực hiện mở rộng thêm một số dự án, tạo cơ sở hạ tầng đồng bộ, gia tăng tối đa hiệu quả sử dụng đất, tăng cường thu hút đầu tư tại Khu Kinh tế Dung Quất. 

Cụ thể, công ty này đề nghị tỉnh tạo quỹ đất khoảng 300 ha ở phía Nam Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất 1 và 2 qua đường Trì Bình – Dung Quất, thuộc xã Bình Đông để đầu tư dự án Nhà máy sản xuất hợp kim sắt; bổ sung diện tích khoảng 79 ha để mở rộng dự án Nhà máy Hòa Phát Dung Quất 2; đề xuất bổ sung quy hoạch 796 ha thuộc địa phận xã Bình Thuận để đầu tư dự án Hòa Phát Dung Quất 3.

Các dự án này sẽ góp phần đồng bộ các dự án đầu tư, khép kín chuỗi sản xuất thép và lĩnh vực phụ trợ, tối ưu hiệu quả sử dụng đất và đóng góp lớn hơn cho sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi đã chỉ đạo các sở, ngành nghiên cứu các đề xuất của Hòa Phát theo đúng thẩm quyền, trình tự, quy định hiện hành. Việc điều chỉnh đồ án quy hoạch chung Khu Kinh tế Dung Quất cần theo hướng phát triển bền vững, lâu dài, đặt lợi ích của tỉnh Quảng Ngãi lên hàng đầu.

Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất là một trong những doanh nghiệp lớn nhất tại tỉnh Quảng Ngãi. Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất có quy mô công suất trên 5 triệu tấn/năm, tạo công ăn việc làm ổn định cho hơn 12.000 người, chủ yếu là người Quảng Ngãi.

Hiện tại, công ty đang đẩy nhanh thực hiện các thủ tục pháp lí, giải phóng mặt bằng để triển khai dự án Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 từ đầu năm 2022.

Với công suất 5,6 triệu tấn thép cuộn cán nóng/năm, dự án Hòa Phát Dung Quất 2 hoàn thành sẽ tạo thêm việc làm cho khoảng 8.000 lao động, thúc đẩy mạnh mẽ các ngành công nghiệp cơ khí, phụ trợ, đóng góp tích cực vào tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp và GDP chung của tỉnh Quảng Ngãi trong dài hạn./.

Nguồn tin: Bnews

CEO TATA STEEL: Giá thép còn cao hơn nhiều so với mức tăng gần đây

Trong những năm tới, giá thép có thể còn cao hơn nhiều so với mức tăng gần đây, Giám đốc điều hành Tata Steel, một trong những nhà sản xuất thép lớn nhất của Ấn Độ, dự đoán.

Giám đốc điều hành Tata Steel, ông T.V. Narendran cho biết trong khoảng 8 năm qua, giá thép cuộn cán nóng trung bình dao động trong ngưỡng 400 – 450 USD/tấn. Nhưng mức giá này trong những năm tới có thể vượt 600 USD/tấn. Hiện Trung Quốc và Đông Nam Á là hai thị trường ghi nhận mức giá tăng vọt, lần lượt ở mức 750 USD/tấn và 850 USD/tấn.

“Tôi hy vọng giá thép sẽ ở trong ngưỡng đó, tất nhiên sẽ có dao động, nhưng dao động có thể ở mức cao hơn chúng ta từng thấy trong quá khứ”, ông T.V. Narendran dự đoán.

Lý giải về mức tăng vọt của giá thép trong thời gian tới, Giám đốc điều hành Tata Steel cho rằng, thị trường thép đang trải qua một số biến động lớn, đáng kể là chi phí sản xuất tăng cao và vai trò của Trung Quốc trên thị trường thép thế giới đã thay đổi.

“Thị trường thép trong 10 năm qua đã bị chi phối nguồn cung xuất khẩu ở bên ngoài Trung Quốc. Nhưng giờ đây, hoạt động mua bán thép trên thế giới đã ổn định hơn nhiều”, ông T.V. Narendran nói.

Giám đốc điều hành Tata Steel cho biết ở lúc đỉnh điểm, Trung Quốc xuất khẩu nhiều thép hơn lượng thép Ấn Độ sản xuất ra. Nhưng sau đó, xuất khẩu thép của Trung Quốc đã giảm một nửa xuống còn khoảng 60 triệu tấn mỗi năm và có thể giảm sâu hơn khi quốc gia này theo đuổi mục tiêu phát thải carbon ròng.

Đại diện Tata Steel cho biết lần đầu tiên sau nhiều năm, nhu cầu thép không bị thúc đẩy bởi thị trường Trung Quốc; đồng thời dẫn chứng dự báo của Hiệp hội Thép Thế giới rằng tăng trưởng tiêu thụ thép trong năm nay sẽ đến từ các quốc gia khác, mà không phải là Trung Quốc.

“Với việc phương Tây đầu tư mạnh mẽ cho cơ sở hạ tầng, điều đó cũng tạo xung lực tích cực cho nhu cầu thép”, ông T.V. Narendran đơn cử.

Đáng chú ý, tuần trước Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký ban hành Luật đầu tư cơ sở hạ tầng do lưỡng đảng đề xuất có trị giá hơn 1.000 tỷ USD.

Về phía nguồn cung, chi phí đầu vào sản xuất thép đang ở “mức cao kỷ lục” do giá than tăng vọt. Tuy nhiên, CEO Tata Steel cho rằng, giá quặng sắt đã phần nào sụt giảm và sẽ giao dịch ở ngưỡng 100 – 120 USD/tấn trong dài hạn. Cả than và quặng sắt đều là nguyên liệu thô đầu vào quan trọng cho sản xuất thép.

Phía Tata Steel dự báo giá thép có thể sẽ bị đẩy lên cao hơn nếu chi phí carbon ở châu Âu ngày càng tăng. “Tôi cho rằng, giá thép trong 10 năm tới sẽ cao hơn nhiều so với mức chúng ta thường thấy 10 năm qua”, ông Narendran nhận định.

Nguồn tin: Đầu tư

Giá thép xây dựng hôm nay 7/10: Trong nước bình ổn trở lại

 Hôm nay (7/10), thị trường trong nước đã bình ổn trở lại sau khi tăng giá bán; còn trên sàn giao dịch Thượng Hải kéo dài ổn định ở mức 5.706 Nhân dân tệ/tấn.

Giá thép tại miền Bắc
Theo SteelOnline.vn, với thép Hòa Phát sau khi tăng giá bán ngày hôm qua (6/10) đã ổn định trở lại, hiện dòng thép cuộn CB240 ở mức 16.510 đồng/kg. Tương tự, thép D10 CB300 hiện có giá 16.610 đồng/kg.
Thép Việt Ý ngừng tăng giá, hiện dòng thép cuộn CB240 ở mức 16.360 đồng/kg; thép D10 CB300 hiện có giá 16.510 đồng/kg.
Thương hiệu thép Việt Đức sau khi tăng giá ngày hôm qua (6/10) hiện 2 sản phẩm của hãng ổn định trở lại, với thép cuộn CB240 ở mức 16.700 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 có giá 17.000 đồng/kg.
Thép Việt Mỹ không có biến động, hiện dòng thép cuộn CB240 duy trì mức giá 16.160 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 ở mức 16.060 đồng/kg.
Thép Việt Sing ổn định từ 28/9 tới  nay, với 2 sản phẩm của hãng là thép cuộn CB240 ở mức 16.290 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 có giá 16.550 đồng/kg.
Thép Việt Nhật duy trì ổn định, với thép cuộn CB240 có giá 16.700 đồng/kg; với thép thanh vằn D10 CB300 ở mức 16.750 đồng/kg.
Thương hiệu thép Kyoei duy trì đi ngang từ 3/8 tới nay, với thép cuộn CB240 ở mức 16.140 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 có giá 16.500 đồng/kg.
Giá thép tại miền Trung
Thép Hòa Phát bình ổn trở lại, hiện thép cuộn CB240 ở mức 16.560 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 có giá 16.660 đồng/kg.
Tương tự, thép Pomina giữ nguyên giá bán, với thép cuộn CB240 ở mức 17.100 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 hiện có giá 17.360 đồng/kg.
Thép Việt Mỹ duy trì ổn định, với dòng thép cuộn CB240 đang có giá 16.010 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 ở mức 16.060 đồng/kg.
Giá thép tại miền Nam
Thép Hòa Phát, 2 sản phẩm của hãng là dòng thép cuộn CB240 hiện ở mức 16.560 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 có giá 16.660 đồng/kg.
Thép Pomina, với thép cuộn CB240 tăng 300 đồng lên mức 17.100 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 tăng 210 đồng có giá 17.310 đồng/kg.
Thép Việt Mỹ, hiện 2 sản phẩm của hãng là thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300 đồng giá 16.060 đồng/kg.
Thương hiệu thép Tung Ho, với 2 sản phẩm của hãng là dòng thép cuộn CB240 hiện có giá 16.600 đồng/kg; còn thép thanh vằn D10 CB300 ở mức 16.750 đồng/kg.
Giá thép trên sàn giao dịch
Giá thép giao kỳ hạn tháng 1/2022 trên sàn giao dịch Thượng Hải ổn định ở mức 5.706 Nhân dân tệ/tấn. Các công ty Trung Quốc bao gồm Tập đoàn Luyện kim Trung Quốc (MCC) đã thể hiện sự quan tâm đến việc hồi sinh khu liên hợp sản xuất thép lớn nhất của Pakistan, Pakistan Steel Mills (PSM), Gwadar Pro đưa tin hôm thứ Ba.
Bằng cách thúc đẩy nền kinh tế địa phương và giúp cải thiện phúc lợi xã hội, MCC tận tâm trở thành một doanh nghiệp kiểu mẫu trong việc thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa Trung Quốc và Pakistan. Là một công ty nhà nước trong ngành sắt thép, MCC là một trong những công ty Trung Quốc sớm nhất hoạt động kinh doanh và dự án tại Pakistan. Năm 1990, MCC quản lý việc xây dựng Mỏ vàng – đồng Saindak dựa trên hợp đồng kỹ thuật, mua sắm và xây dựng.
Mỏ vàng – đồng Saindak đã tạo ra lợi nhuận ổn định trong 18 năm liên tiếp, trở thành động lực chính của nền kinh tế địa phương và được chính phủ hai bên ca ngợi là “hình mẫu hợp tác kinh tế Trung Quốc-Pakistan”.
Guo Wenqing – Chủ tịch MCC cũng đã gặp Thủ tướng Imran, để thảo luận về hợp tác và triển vọng của các liên doanh trong lĩnh vực năng lượng, công nghiệp và nhiều lĩnh vực khác. Các nguồn tin tại Ủy ban Tư nhân hóa Pakistan trước đó cho biết chính phủ đang kỳ vọng ít nhất 1 tỷ USD đầu tư nước ngoài vào cuối năm nay để vực dậy PSM.
Các nhà đầu tư từ Nga cũng đang bày tỏ sự quan tâm đến việc vận hành cơ sở này như một phần của một tập đoàn. PSM có khả năng mở rộng để sản xuất ba triệu tấn thép cán nóng và nguội hàng năm. Kế hoạch bao gồm việc thành lập một công ty con mới, Steel Corp Limited, trên cơ sở của Nhà máy thép Pakistan để cung cấp đơn vị công nghiệp khổng lồ cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Thay vì bán hoặc tư nhân hóa các nhà máy, chính phủ đặt mục tiêu khôi phục hoạt động và sản xuất của đơn vị với sự giúp đỡ của các nhà đầu tư nước ngoài để đáp ứng nhu cầu thép ngày càng tăng tại địa phương.
Nhu cầu thép hàng năm của Pakistan là khoảng tám triệu tấn trong khi sản lượng địa phương dao động trong khoảng ba đến bốn triệu tấn. Nước này lấp đầy khoảng trống bằng cách nhập khẩu thép và sắt từ Nhật Bản và các nước khác. Năm ngoái, sáu công ty Nga bao gồm Tập đoàn METPROM, bốn công ty Ukraine bao gồm Tổng công ty Kinh tế Đối ngoại Quốc gia Ukraine, một công ty Mỹ và ba công ty Pakistan cũng bày tỏ quan tâm đến việc vận hành cơ sở này.
Tại một diễn biến khác, các sàn mua sắm tại nhiều nhà máy thép trên khắp Nam Phi đã dừng hoạt động sau khi công nhân cắt công cụ, bắt đầu một cuộc đình công vô thời hạn trên khắp đất nước được cho là sẽ khiến nền kinh tế phải điêu đứng.
Các công nhân thuộc Liên minh Cơ khí Quốc gia Nam Phi (Numsa) trong ngành thép và kỹ thuật đã đình công vì tranh chấp kéo dài về việc tăng lương vào năm 2021. Với sự tham gia của 432.000 công nhân của Numsa, gợi nhớ đến cuộc đình công năm 2014 kéo dài trong bốn tuần và khiến ngành thép và kỹ thuật tiêu tốn từ 300 triệu đến 500 triệu Rupi mỗi ngày, hay 6 tỷ Rupi đối với nền kinh tế rộng lớn hơn.
Tin tức về cuộc đình công đã khiến giá cổ phiếu của ArcelorMittal SA, một trong những nhà sản xuất thép lớn của đất nước Nam Phi, giảm gần 1% vào thứ Ba. Ngành công nghiệp thép và kỹ thuật là một thành phần quan trọng của nền kinh tế đất nước này, chiếm gần 2% sản lượng kinh tế của đất nước và chịu trách nhiệm cho 190.000 việc làm trực tiếp.
Ngành công nghiệp này đang phải chiến đấu để tồn tại trong một môi trường mà giá thép xuống thấp vì nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc. Nhu cầu thép cũng trong tình trạng ảm đạm do các dự án xây dựng và cơ sở hạ tầng lớn đã cạn kiệt kể từ World Cup 2010.
Vào ngày đầu tiên của cuộc đình công, các công nhân liên kết với Numsa đã tuần hành đến Hội đồng thương lượng ngành công nghiệp kim loại và kỹ thuật ở Johannesburg và trao một bản ghi nhớ nhắc lại yêu cầu của họ về việc tăng lương để đánh bại lạm phát. Hội đồng là nơi người lao động và người sử dụng lao động trong ngành thép và kỹ thuật thương lượng các điều khoản tuyển dụng.
Nguồn tin: Kinh tế & Đô thị

Giá thép xây dựng hôm nay 24/9: Nhiều thương hiệu trong nước tăng giá bán

Ngày hôm nay (24/9), thị trường thép trong nước có điều chỉnh tăng mạnh giá bán; còn trên sàn giao dịch Thượng Hải quay đầu giảm xuống mức 5.521 Nhân dân tệ/tấn.

Giá thép tại miền Bắc

 

Theo SteelOnline.vn, với thép Hòa Phát ngày hôm nay (24/9) đã tăng mạnh giá bán, hiện dòng thép cuộn CB240 tăng 150 đồng lên mức 16.310 đồng/kg; thép D10 CB300 tăng 100 đồng, hiện có giá 16.410 đồng/kg.
Thép Việt Ý, hiện dòng thép cuộn CB240 tăng 100 đồng lên mức 16.160 đồng/kg; thép D10 CB300 tăng 50 đồng, hiện có giá 16.310 đồng/kg.
Thép Việt Mỹ từ 1/9 tới nay tiếp tục ổn định giá bán, hiện dòng thép cuộn CB240 có mức giá 16.160 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 ở mức 16.060 đồng/kg.
Thép Việt Sing, với 2 sản phẩm của hãng là thép cuộn CB240 duy trì ổn định ở mức 16.190 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 tiếp tục bình ổn với mức giá 16.440 đồng/kg.

 

Giá thép tại miền Trung

 

Thép Hòa Phát tăng giá bán, hiện thép cuộn CB240 tăng 100 đồng lên mức 16.360 đồng/kg; tương tự, thép thanh vằn D10 CB300 tăng 100 đồng, có giá 16.460 đồng/kg.
Thép Việt Mỹ tiếp tục duy trì ổn định giá bán, với dòng thép cuộn CB240 đang có giá 16.010 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 ở mức 16.060 đồng/kg.

 

Giá thép tại miền Nam

 

Thép Hòa Phát không có biến động, với 2 sản phẩm của hãng là dòng thép cuộn CB240 ở mức 16.260 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 có giá 16.360 đồng/kg.
Thép Việt Mỹ hiện 2 sản phẩm của hãng là thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300 tiếp tục duy trì đồng giá 16.060 đồng/kg.
Thương hiệu thép Tung Ho, với 2 sản phẩm của hãng là dòng thép cuộn CB240 hiện có giá 16.090 đồng/kg; còn thép thanh vằn D10 CB300 ở mức 16.240 đồng/kg.

Giá thép trên sàn giao dịch

 

Giá thép giao kỳ hạn tháng 1/2022 trên sàn giao dịch Thượng Hải quay đầu giảm mạnh 122 Nhân dân tệ xuống mức 5.521 Nhân dân tệ/tấn. Hợp đồng than luyện kim (hoặc luyện cốc) của Trung Quốc tăng vọt lên mức cao nhất trong hai tuần trở lại đây do lo ngại về nguồn cung gia tăng, đẩy giá than cốc nguyên liệu sản xuất thép lên cao hơn.
Giá than cốc tháng 1 DJMcv1 được giao dịch nhiều nhất trên sàn giao dịch Hàng hóa Đại Liên của Trung Quốc tăng 7,7% lên 3.044 Nhân dân tệ (470,62 USD)/tấn, mạnh nhất kể từ ngày 10/9.
Giá than luyện cốc ở Đại Liên đã tăng hơn 80% trong năm nay do nhà sản xuất thép hàng đầu Trung Quốc gặp khó khăn với nguồn cung thắt chặt sau lệnh cấm đối với than nhập khẩu từ Australia, gây gián đoạn các chuyến hàng của Mông Cổ và sản lượng nội địa yếu do các hạn chế về an toàn mỏ.
Tại một diễn biến khác, nhóm nghiên cứu toàn cầu của Ngân hàng Hoa Kỳ (Bank of America – BofA) đưa ra dự báo giá quặng sắt vào năm 2022 giảm 45% xuống 91 USD/tấn (giảm so với dự báo trước đó là 165 USD/tấn) do việc cắt giảm sản lượng thép được thực thi ở Trung Quốc. Các hạn chế của Bắc Kinh đối với sản lượng thép được thúc đẩy bởi mục tiêu giảm lượng khí thải.
Trong năm 2021 này, BofA đã giảm dự báo giá 16,6% xuống còn 157 USD/tấn từ 188 USD/tấn. Các nhà phân tích của ngân hàng này đã viết trong một báo cáo nghiên cứu gửi cho khách hàng, trong đó chỉ ra rằng chính sách của Trung Quốc đang “buộc” sản xuất thép của nước này giảm 10% trong giai đoạn từ tháng 8 đến tháng 12 khiến thị trường quặng sắt rơi vào tình trạng thặng dư.
“Nếu không có sự thay đổi trong lập trường chính sách này, chúng tôi không thấy có lý do gì khiến quặng sắt chỉ giao dịch với chi phí cận biên (c. 80 USD/tấn), đặc biệt là khi các chính sách “bầu trời xanh” xuất hiện vào đầu năm 2022 đối với Thế vận hội mùa đông của Trung Quốc” – đại diện nhóm nghiên cứu chia sẻ.

Ngoài ra, BofA cho biết hướng dẫn gần đây từ Bộ Môi trường của Trung Quốc đang gợi ý rằng các nhà chức trách sẽ tiếp tục tập trung vào lượng khí thải trong thời gian diễn ra Thế vận hội Olympics vào năm tới. “Liên quan đến điều đó, chúng tôi dự đoán sẽ có một năm yếu kém nữa đối với sản xuất thép tại Trung Quốc vào năm 2022. Tất nhiên, khả năng sản xuất thép có thể phục hồi sau Thế vận hội, nhưng cho đến lúc đó giá quặng sắt vẫn chịu áp lực” – nhóm nghiên cứu nhận định.

BofA dự báo thị trường quặng sắt toàn cầu “có khả năng sẽ chuyển sang thặng dư” trong năm tới. Do đó, giá quặng sắt một lần nữa có thể giảm xuống 70 USD/tấn trong những tháng tới. Ngân hàng này đồng thời cũng báo cáo rằng, sản lượng thép ở Trung Quốc đã giảm 12,6% trong tháng 8 và dự báo sản lượng thép năm 2022 sẽ giảm 1,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Với sự rủi ro vỡ nợ phải đối mặt của một trong những nhà phát triển bất động sản lớn nhất Trung Quốc là Evergrande, báo cáo của BofA nhấn mạnh: “Chúng tôi lo ngại về hai lĩnh vực cụ thể: Bất động sản ở Trung Quốc và sản xuất ô tô trên toàn cầu… hai lĩnh vực này gây ảnh hưởng đến tăng trưởng nhu cầu đồng và thép của Trung Quốc trong những tháng gần đây”.
 
Nguồn tin: Kinh tế & Đô thị

Dữ liệu đầu năm 2021 cho thấy thị trường thép EU tiếp tục phục hồi

Tiêu thụ thép của EU-28 đã tăng 3.6% so với cùng kỳ năm ngoái trong quý 4/2020, đây là mức tăng trưởng hàng quý đầu tiên kể từ quý 4/2019 và tương tự, tiêu thụ thép tăng trong Q1/2021 lên 0.9%, đạt mức 36.3 triệu tấn. Đây là những dấu hiệu phục hồi tiếp theo sau cú sốc kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra.

Ông Axel Eggert, Tổng Giám đốc Hiệp hội Thép Châu Âu (EUROFER) cho biết: “Mặc dù sự phục hồi kinh tế chung ở EU có vẻ không đồng đều và tiềm ẩn nhiều rủi ro, sự phục hồi trong các ngành sử dụng thép và nhu cầu thép sẽ tiếp tục đến năm 2021Điều này được thúc đẩy bởi sự phục hồi mạnh mẽ hơn mong đợi của các lĩnh vực công nghiệp, những lĩnh vực đã trải qua thiệt hại sản lượng trong đại dịch.”.

Tổng quan thị trường thép EU

Nhờ sự cải thiện về nhu cầu, giao hàng nội địa ở EU trong quý đầu tiên của năm 2021 đã tăng 1% sau khi mức tăng trưởng 4.6% được ghi nhận trong quý IV/2020.

Dữ liệu trong quý đầu tiên cũng cho thấy nhập khẩu từ các nước thứ ba tiếp tục giảm. Sau khi giảm kỷ lục 25.4% trong quý 3/2020, nhập khẩu từ các nước thứ ba giảm – mặc dù ít nghiêm trọng hơn – cũng trong quý 4/2020 với mức giảm 5.4% và trong quý 1/2021 với mức giảm 2.5%, đó là mức giảm hàng quý thứ chín liên tiếp.

Các lĩnh vực sử dụng thép của EU

Việc nới lỏng các biện pháp COVID trong quý 3/2020 cho phép hoạt động công nghiệp khởi động lại, với sản lượng phục hồi đáng kể so với mức thấp kỷ lục trong quý trước, với tốc độ thậm chí còn nhanh hơn – trong quý 4/2020 và đến quý đầu tiên của năm 2021, được thúc đẩy bởi sự phục hồi nhanh hơn dự kiến ​​của sản lượng trong một số ngành (thiết bị gia dụng và ô tô nói riêng).

Điều này đã xảy ra bất chấp những vấn đề đáng kể trong chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt là đối với lĩnh vực ô tô (chi phí vận tải tăng, chi phí nhiên liệu tăng, thiếu linh kiện, v.v.). Tăng trưởng sản lượng của các ngành sử dụng thép trong quý 4 vẫn ở mức âm (-1.4%), tức là quý thứ 5 liên tiếp giảm, nhưng với tốc độ thấp hơn nhiều so với quý 3 (-6.8%).

Điều này mở đường cho sự tăng tốc mạnh mẽ hơn trong phục hồi công nghiệp trong quý đầu tiên của năm 2021, bất chấp sự bất ổn kinh tế dai dẳng do đại dịch đang diễn ra trên khắp EU. Kết quả là, sản lượng của các lĩnh vực sử dụng thép đã tăng (+ 2.6%) trong quý đầu tiên của năm 2021, đây là mức tăng hàng quý đầu tiên kể từ quý 3/2019.

Ngành công nghiệp ở EU đã khôi phục được sản lượng bị mất trong thời kỳ đại dịch, nhưng hoạt động vẫn tiềm ẩn sự mong manh và rủi ro, do sự không chắc chắn dai dẳng xung quanh các kế hoạch tiêm chủng và hậu quả của đại dịch.

Nguồn tin: satthep.net