Thuế chống phá giá không tạo độc quyền thép inox

Bộ Công Thương phủ nhận cáo buộc rằng, thuế chống bán phá giá với thép không gỉ Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Đài Loan gây độc quyền trên thị trường.

Thép không gỉ nhập từ Trung Quốc, Indonesia, Malaysia và vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) bị áp thuế chống bán phá giá từ tháng 9/2014. Hiện thép không gỉ cán nguội nhập từ Trung Quốc bị áp thuế 25,35%, Indonesia là 13,03%; Malaysia 9,31% và Đài Loan 13,79%.

Sau hơn 4 năm, các nhà nhập khẩu thép cho rằng, thị trường thép không gỉ cán nguội tại Việt Nam đang có dấu hiệu độc quyền nhờ thuế chống bán phá giá này. Giá mặt hàng này đã tăng 15-25% kéo giá thành sản phẩm tăng theo.

Phủ nhận cáo buộc trên, đại diện Cục Phòng vệ thương mại – Bộ Công Thương cho rằng không có cơ sở để nhận định ngành sản xuất trong nước hay một doanh nghiệp sản xuất nào đó độc quyền về nhóm sản phẩm này.

Theo cơ quan này, quyết định áp thuế chống bán phá giá được đưa ra trên cơ sở kết quả điều tra cho thấy, có hành vi bán phá giá của các nhà sản xuất thép không gỉ (thép inox) từ 4 nước, vùng lãnh thổ trên và ngành sản xuất trong nước đã bị thiệt hại đáng kể. Ngoài 4 khu vực trên, các sản phẩm thép inox từ các nước khác vẫn có thể nhập khẩu vào Việt Nam mà không bị áp thuế chống bán phá giá.

Sau khi áp dụng biện pháp chống bán phá giá từ tháng 10/2014, ngành sản xuất trong nước bắt đầu phục hồi và dần tăng trưởng. Dẫn số liệu Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), nhà chức trách cho biết, hiện có 10 doanh nghiệp sản xuất thép không gỉ cán nguội dạng cuộn/tấm, trong đó chủ yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng nội bộ như để sản xuất ống thép, bình đựng nước,…mà không bán ra thị trường hoặc chỉ bán với số lượng rất ít.

Sản lượng năm 2018 của Công ty TNHH POSCO (VST) là 207.000 tấn, chiếm 50% tổng sản lượng của ngành. Dự báo năng lực sản xuất thép không gỉ trong nước sẽ tăng thêm khoảng 400.000 – 500.000 tấn mỗi năm bởi các nhà máy thép không gỉ mới như Nguyễn Minh (200.000 tấn/năm) hay như Việt Quang…

Riêng về Posco, Bộ Công Thương cho biết thị phần của công ty này không biến động quá lớn kể từ khi áp dụng biện pháp chống bán phá giá. Trong khi đó, thị phần của các nhà sản xuất trong nước khác lại có xu hướng tăng lên rõ rệt. Bên cạnh đó, hàng hoá nhập khẩu sau khi giảm dần từ giai đoạn 2014 – 2015 đến giai đoạn 2016 – 2017 đã tăng lên trong giai đoạn 2017 – 2018.

“Như vậy, không có căn cứ cho rằng việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá làm tăng vị thế của Posco trên thị trường thép không gỉ cán nguội”, Bộ này cho hay.

Ở chiều ngược lại, thép không gỉ nhập về Việt Nam, trong đó có 4 nước, vùng lãnh thổ bị áp thuế cao, vẫn tăng. Giai đoạn 2017-2018, nhập khẩu thép inox vẫn chiếm tới 57,2% tổng tiêu thụ trong nước, trong đó nhập khẩu từ các nước không bị áp thuế chống bán phá giá chiếm 68,5% tổng nhập khẩu. Sản xuất trong nước chỉ chiếm 42,8% tiêu thụ.

Riêng với thép không gỉ khổ rộng (từ 1.200 mm trở lên), số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, Việt Nam vẫn đang nhập khẩu loại sản phẩm này chiếm một phần tư tổng nhập khẩu thép không gỉ cán nguội vào Việt Nam năm 2018.

“Nếu không có biện pháp chống bán phá giá, với việc hàng nhập khẩu gia tăng ồ ạt vào Việt Nam thì ngành sản xuất trong nước khó có thể tồn tại và phát triển. Thị trường thép không gỉ cán nguội của Việt Nam trước đây chỉ có sự tham gia của công ty Posco cùng một số công ty quy mô nhỏ khác, nay đã bắt đầu có các doanh nghiệp lớn trong nước”, Bộ Công Thương cho biết thêm.

Cục Phòng vệ thương mại cho biết đang trong quá trình rà soát cuối kỳ. Một trong những nội dung quan trọng là xác định tồn tại hành vi bán phá giá của các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu nước ngoài hay không để làm cơ sở quyết định việc duy trì biện pháp chống bán phá giá.

Nguồn tin: Vnexpress

 

 

 

 

Thuế chống phá giá không tạo độc quyền thép inox

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *