Trong khi hai “ông lớn” Hoà Phát và Hoa Sen cải thiện lợi nhuận đáng kể trong năm 2023 thì hầu hết doanh nghiệp còn lại đều ghi nhận kết quả ảm đạm.

Năm 2023, tổng sản lượng tiêu thụ thép thành phẩm trong nước chứng kiến sự sụt giảm do ảnh hưởng của nền kinh tế vĩ mô cũng như thị trường bất động sản nói riêng. Dù vậy, sau giai đoạn khó khăn, ngành thép đang đón những tín hiệu lạc quan.

Hai thái cực của DN ngành thép

Theo ước tính trong quý IV/2023, tổng lợi nhuận ngành thép đạt khoảng 2.500 tỷ đồng, tăng 22% so với quý ba trước đó và khả quan hơn nhiều so với mức âm hơn 5.000 tỷ cùng kỳ 2022. Đây cũng là mức cao nhất trong vòng 6 quý trở lại đây.

Đáng chú ý, bức tranh kinh doanh của doanh nghiệp ngành thép ghi nhận hai thái cực khác nhau, trong khi doanh nghiệp lớn phục hồi đáng kể thì doanh nghiệp quy mô nhỏ hơn lại lao đao.

Sau năm 2022 ảm đạm, ông lớn số 1 thị phần thép xây dựng và ống thép – Tập đoàn Hoà Phát (HoSE: HPG) bước vào chu kỳ phục hồi trong năm 2023. Quý IV/2023, doanh thu của Hoà Phát tăng trưởng mạnh mẽ sau 5 quý suy giảm liên tiếp, đạt 34.925 tỷ đồng, tăng 33% so với cùng kỳ năm 2023. So với quý đầu năm, biên lợi nhuận gộp quý IV/2023 của Hoà Phát đã tăng từ 6% lên 13% và biên lợi nhuận thuần tăng từ 1% lên 9%.

Lũy kế cả năm 2023, Hòa Phát đạt 120.355 tỷ đồng doanh thu, giảm 16% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế là 6.800 tỷ đồng, tương ứng hoàn thành 85% kế hoạch năm.

Tập đoàn Hoa Sen (HoSE: HSG) công bố tình hình tài chính hợp nhất quý I niên độ 2023 – 2024 (từ 1/10/2023 đến 31/12/2023) với kết quả tích cực. Trong kỳ tài chính đầu tiên, Hoa Sen ghi nhận doanh thu thuần đạt hơn 9.249 tỷ đồng, tăng 14,6% so với cùng kỳ niên độ trước. Lãi sau thuế đạt 103,4 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức lỗ 680 tỷ đồng quý I niên độ 2022-2023.

Thép Nam Kim (HoSE: NKG) cũng lội ngược dòng, chuyển từ lỗ thành lãi khi thu về 117,4 tỷ đồng trong cả năm 2023.

Trong khi đó, cùng là doanh nghiệp có quy mô và thị phần lớn, Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNSteel – TVN) lại lỗ 11,2 tỷ đồng trong quý IV. Cả năm 2023, VNSteel lỗ sau thuế 464,6 tỷ đồng.

Tương tự, các doanh nghiệp nhỏ hơn như Pomina hay SMC cũng chưa thoát cảnh thua lỗ. Quý IV/2023, Pomina (mã: POM) lỗ 313 tỷ đồng khi chi phí lãi vay tiếp tục bào mòn lợi nhuận còn Thép SMC lỗ 330 tỷ do tăng dự phòng phải thu từ các đơn vị thuộc Novaland. Tính chung cả năm 2023, Pomina lỗ ròng 960 tỷ đồng và là khoản lỗ lớn nhất ngành thép, theo sau là Thép SMC với mức lỗ ròng 919 tỷ đồng.

Kỳ vọng bứt phá trong 2024

Những dấu hiệu tích cực từ Hoà Phát và Hoa Sen, cùng với sự kỳ vọng về phục hồi nền kinh tế, đặt ra nhiều hi vọng cho ngành thép trong năm 2024.

Chứng khoán SSI nhận định tổng sản lượng tiêu thụ thép sẽ tăng hơn 6% trong năm 2024, trong đó tiêu thụ nội địa đạt mức tăng trưởng gần 7%. Kênh nội địa đã có những dấu hiệu phục hồi đầu tiên vào cuối năm 2023 khi sản lượng tiêu thụ từ tháng 9 đến tháng 11 đã tăng 13% so với cùng kỳ, sau khi giảm 20% trong 8 tháng đầu năm 2023. Mức tiêu thụ thép trong năm 2024 sẽ được hỗ trợ nhờ tình hình vĩ mô và thị trường bất động sản khởi sắc hơn.

SSI kỳ vọng lợi nhuận của các công ty thép sẽ đạt mức tăng trưởng cao trong năm 2024 từ mức nền thấp năm 2023 nhờ sản lượng tiêu thụ cải thiện, biên lợi nhuận gộp tăng trở lại. Mức tăng trưởng lợi nhuận cao hơn trong nửa đầu năm 2024 nhờ mức nền lợi nhuận thấp trong nửa đầu năm 2023.

Hồ sơ doanh nghiệp - Bức tranh trái chiều của doanh nghiệp ngành thép

Lợi nhuận các doanh nghiệp ngành thép được dự báo sẽ tăng
trưởng trong năm 2024 (Ảnh: Hữu Thắng).

Chứng khoán MB (MBS) dự báo trong năm 2024, giá thép xây dựng nội địa phục hồi lên mức 15 triệu VNĐ/tấn (tăng 8% so với năm 2023) nhờ đà tăng giá thép thế giới và nhu cầu ấm lên ở thị trường Việt Nam.

MBS cho rằng, nhờ các chính sách hỗ trợ có thể phục hồi thị trường bất động sản từ giữa năm 2024, nguồn cung căn hộ dự kiến tăng trưởng 20% so với cùng kỳ (theo dự báo của CBRE) sẽ đẩy mạnh nhu cầu và tác động tích cực đến giá thép nội địa.

Đối với thị trường xuất khẩu, nhu cầu phục hồi tại EU và Mỹ tác động tích cực đến sản lượng và giá tôn mạ xuất khẩu, giá thép xuất khẩu dự kiến tăng 9% trong năm 2024 giúp biên lợi nhuận gộp các doanh nghiệp xuất khẩu thép cải thiện.

Tổng lợi nhuận các doanh nghiệp ngành thép cũng theo đó được MBS dự phóng tăng trưởng đến 40% so với cùng kỳ trong năm 2024 nhờ 3 yếu tố: doanh thu dự kiến hồi phục 25% trong bối cảnh sản lượng và giá bán tăng trưởng; biên lợi nhuận gộp phục hồi lên mức 13% (so với khoảng 8% của năm 2023) và chi phí tài chính giảm 30% khi áp lực tỉ giá và chi phí lãi vay hạ nhiệt.

Nguồn tin: Người đưa tin

BỨC TRANH TRÁI CHIỀU CỦA DOANH NGHIỆP NGÀNH THÉP

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *