Sau khoảng thời gian hàng loạt thương hiệu thép liên tục điều chỉnh giảm giá bán nhằm giảm lượng tồn kho và chi phí vận hành, nhiều thương nhân ngành thép hy vọng sự khởi sắc của ngành này vào cuối năm 2023 khi nút thắt tín dụng được tháo gỡ.

Giá thép giảm thấp

Trước tình hình biến động của thị trường, cộng thêm thời gian này bước vào mùa mưa, giá phôi thép và nguyên vật liệu giảm, đầu tháng 9 đã có một số thương hiệu thép trong nước thông báo điều chỉnh giảm giá bán với thép cuộn CB240. Trong đợt điều chỉnh này, DN thép Hòa Phát hạ 100.000 đồng/tấn với dòng thép cuộn CB240, hiện ở mức 13,43 triệu đồng/tấn.

Ngành thép hy vọng sự khởi sắc vào cuối năm 2023 khi nút thắt tín dụng được tháo gỡ. Ảnh: Hải Linh

Ngành thép hy vọng sự khởi sắc vào cuối năm 2023 khi nút thắt tín dụng được tháo gỡ. Ảnh: Hải Linh

Trong khi đó, thép thanh vằn D10 CB300 vẫn giữ nguyên 13,74 triệu đồng/tấn. Tập đoàn thép VAS giảm 210.000 đồng/tấn với dòng thép cuộn CB240 xuống còn 13,19 triệu đồng/tấn; thép Việt Đức có mức giảm mạnh nhất – 310.000 đồng/tấn với thép cuộn CB240, hiện có giá 13,43 triệu đồng/tấn.

Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), quý III/2023 hàng năm thường là giai đoạn tiêu thụ thấp trong năm do mùa mưa và tháng 7 âm lịch có rất ít công trình xây dựng dân dụng được khởi công. Các nhà máy liên tục giảm giá bán để đáp ứng kế hoạch sản xuất, bán hàng. Hoạt động sản xuất và bán hàng thép trong tháng 7 bắt đầu có cải thiện nhưng rõ ràng, mức độ phục hồi không quá nhiều.

Bài toán tiêu thụ vẫn đang là sức ép chính kéo giá sắt thép trong nước giảm sâu, đặc biệt là mùa tiêu thụ thấp điểm vẫn chưa kết thúc. Áp lực vẫn tiềm ẩn, song MXV cho biết, nhu cầu được kỳ vọng sẽ khởi sắc hơn vào giai đoạn quý IV khi một số dự báo từ các DN cho rằng nguồn cung bất động sản sẽ hồi phục nhẹ, qua đó thúc đẩy tiêu thụ thép.

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), giá nguyên liệu diễn biến trong tháng đầu quý III/2023 tương đối ổn định so với tháng trước đó. Xét tổng thể nhu cầu sử dụng nội địa và xuất khẩu trong tháng 7 vừa qua ở mức thấp, nhà máy giảm giá bán để đáp ứng kế hoạch sản xuất/bán hàng, tần suất một tuần/lần với mức 150 đồng/kg đến 200 đồng/kg.

Bên cạnh đó, thị trường bất động sản chưa có tín hiệu khả quan. Việc cạnh tranh về giá bán, thị phần, thị trường của các nhà máy ngày càng trở nên khốc liệt để duy trì hoạt động. Hiện nay, các nhà máy thép trong nước đối mặt nhiều khó khăn do giá tồn kho cao, giá bán thấp và áp lực chi phí tài chính.

Cơ hội hồi phục

Theo ghi nhận ở các đại lý chuyên buôn bán mặt hàng sắt thép, nhiều chủ cơ sở cho biết, thị trường thép có thể được cải thiện và tăng trưởng trong quý còn lại của năm nay, khi nhu cầu xây dựng tăng cao. Các thương nhân đều đặt kỳ vọng thị trường bất động sản dần phục hồi vào giai đoạn cuối năm 2023. Đây sẽ là cơ hội hồi phục cho các DN vật liệu xây dựng, ngành sản xuất thép vượt khó trong giai đoạn cuối năm.

Thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn từ đầu năm đến nay, hàng nghìn dự án phải tạm dừng triển khai xây dựng, trong đó có cả những dự án phát triển nhà ở xã hội. Số lượng dự án mới được cấp phép cũng giảm đến 50% so với cùng kỳ năm trước, dù Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ thị trường và cộng đồng DN.

Động thái mới đây khi Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 10/2023/TT-NHNN, có hiệu lực thi hành từ 1/9/2023, hoãn thi hành một số quy định cấm cho vay theo quy định tại khoản 8, 9, 10 Điều 8 của Thông tư 06/TT-NHNN đã cho DN bất động sản có điều kiện tiếp cận tín dụng được thuận lợi hơn. Với việc nới lỏng cơ chế vay, nhiều DN có thể tiếp cận được tín dụng, nhiều đại lý đã được thông báo về việc chi trả, thanh toán hợp đồng cung cấp vật liệu.

Theo chủ một đại lý thép tại phố An Dương (quận Tây Hồ) chia sẻ, mới đây, một số dự án bất động sản đã có thông báo về kế hoạch chi trả cho các hợp đồng quá hạn và đến hạn. Tuy rằng mức thanh toán không quá cao, nhưng đây là tín hiệu tốt cho sự phục hồi của ngành bất động sản. “Mặc dù nhu cầu chững lại khi thị trường xây dựng bước vào mùa mưa và “tháng cô hồn”. Nhưng với việc các DN bất động sản thông báo sẽ chi trả 20% giá trị hợp đồng cho thấy việc phục hồi hoạt động kinh doanh, dòng vốn đang rất tích cực” – người này cho hay.

Còn theo nhận định của Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), nhu cầu thép xây dựng có thể bùng nổ trong năm 2024 khi các dự án nhà ở tại các đô thị loại I (Hà Nội, TP Hồ Chí Minh) đã bắt đầu nhận đặt cọc của khách hàng. Điều này sẽ đẩy mạnh quá trình xây dựng từ cuối năm 2023 và tăng nhu cầu nguyên vật liệu, bao gồm thép xây dựng. Khi đó, doanh thu và biên lợi nhuận gộp của các DN thép sẽ cải thiện và hạ thấp số ngày tồn kho bình quân.

Trong thời gian tới, thị trường xuất khẩu sẽ hỗ trợ Hòa Phát khởi động lại các lò cao tại Khu liên hợp gang thép Dung Quất vào quý III nhằm đáp ứng nhu cầu xuất khẩu thép cuộn cán nóng cho thị trường châu Âu và Đông Nam Á.

Nhóm phân tích Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt

Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, nửa đầu tháng 8 năm 2023 (1 – 15/8), cả nước xuất khẩu gần 335.000 tấn sắt thép các loại, kim ngạch đạt 235,5 triệu USD. Tính chung từ đầu năm đến 15/8, cả nước xuất khẩu 6,73 triệu tấn sắt thép các loại, tổng kim ngạch đạt 5,23 tỷ USD. Đặc biệt, lượng sắt thép xuất khẩu tăng tới 19,7% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng kim ngạch giảm gần 10%.

                                                                                                                                              Nguồn tin: Kinh tế & Đô thị

Ngành Thép Hy Vọng Khởi Sắc

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *