Ngày 17/8, một số doanh nghiệp sản xuất thép hạ 100.000 đồng/tấn với các sản phẩm thép cuộn CB240, xuống còn 13,5 – 14,04 triệu đồng/tấn, đồng thời giữ nguyên giá bán với thép vằn thanh D10 CB300.

Theo dữ liệu từ Steelonline, doanh nghiệp thép Hòa Phát đồng loạt hạ 100.000 đồng/tấn đối với dòng thép cuộn CB240 ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam xuống lần lượt 13,94 triệu đồng/tấn; 13,74 triệu đồng/tấn và 14,04 triệu đồng/tấn. Còn giá thép thanh vằn D10 CB300 vẫn giữ nguyên so với đợt điều chỉnh trước, ở mức 13,89 – 14,04 triệu đồng/tấn.

Giá thép lại 'dò đáy', giảm lần thứ 16 liên tiếp - Ảnh 1.

Tương tự, thương hiệu thép Việt Ý và Việt Đức cũng giảm 100.000 đồng/tấn với dòng thép cuộn CB240 lần lượt xuống còn 13,64 triệu đồng/tấn và 13,74 triệu đồng/tấn.

Với mức giảm 100.000 đồng/tấn, giá thép cuộn CB240 của thương hiệu Kyoei Việt Nam (KSVC) đang ở mức 13,66 triệu đồng/tấn. Thép D10 CB300 vẫn giữ nguyên ở mức 13,81 triệu đồng/tấn.

Thép Thái Nguyên cũng hạ 110.000 đồng/tấn với thép cuộn CB240 còn 13,97 triệu đồng/tấn, còn thép vằn thanh đang được bán ra ở mức 14,08 triệu đồng/tấn.

Giá thép lại 'dò đáy', giảm lần thứ 16 liên tiếp - Ảnh 2.

Trong đợt điều chỉnh này, thép Việt Sing hạ 100.000 đồng với thép cuộn CB240 xuống 13,5 triệu đồng/tấn và giữ nguyên giá với thép vằn thanh D10 CB300 13,7 triệu đồng/tấn.

Thép VAS, thép Mỹ, thép Tuyên Quang và Tung Ho cũng đồng loạt giảm 100.000 đồng/tấn thép cuộn CB240.

Trong khi đó, các thương hiệu như thép miền Nam, thép VJS, Pomina, Vina Kyoei chưa có động thái điều chỉnh giá bán.

Tính từ đầu năm 2023 đến nay, giá thép xây dựng đã có 16-17 đợt giảm, tuỳ thương hiệu sẽ có tần suất và mức điều chỉnh khác nhau.

Theo số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), sản xuất thép thành phẩm trong tháng 7 đạt 2,4 triệu tấn, tăng 19% so với tháng 6 và tăng 7% so với cùng kỳ năm 2022.

Bán hàng thép các loại trong tháng này đạt gần 2,2 triệu tấn, tăng nhẹ so với tháng trước và tăng 9% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, xuất khẩu  thép trong tháng 7 đạt hơn 703.000 tấn, tăng gần 40% so với cùng kỳ năm 2022.

Lũy kế 7 tháng đầu năm, sản xuất thép thành phẩm giảm 18% so với cùng kỳ năm 2022. Bán hàng thép các loại giảm 14% so với 7 tháng năm 2022, trong đó xuất khẩu tăng 10,5%.

Sau giai đoạn khó khăn nửa cuối năm 2022, kết quả kinh doanh của một số doanh nghiệp thép đang dần hồi phục. Tuy nhiên, ngành thép được dự báo vẫn chưa hết khó khăn do sự ảm đạm của thị trường bất động sản.

Áp lực có thể giảm bớt những tháng cuối năm khi các dự án gấp rút hoàn thành tiến độ. Các dự án đầu tư công và nhà ở xã hội, đặc biệt là những công trình hạ tầng giao thông vận tải… sẽ góp phần giải tỏa một phần bài toán tiêu thụ cho doanh nghiệp trong nước. Đồng thời, một số lò cao tạm dừng để bảo trì cũng sẽ hạn chế nguồn cung. Trong điều kiện đó, giá sắt thép có thể sẽ lấy lại một số động lực phục hồi.

Nguồn: Nhịp sống thị trường

Giá thép lại ‘dò đáy’, giảm lần thứ 16 liên tiếp

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *