Mặc dù sản xuất và tiêu thụ thép trong nước đều giảm nhưng lượng thép Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam vẫn tăng rất mạnh khiến ngành thép trong nước đứng trước nguy cơ cắt giảm sản xuất.

Theo thống kê của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), trong 5 tháng đầu năm 2023, sản xuất thép thô trong nước chỉ đạt hơn 7,5 triệu tấn, giảm 21% so với cùng kỳ 2022; tiêu thụ đạt 7,6 triệu tấn, giảm 17%.

Tuy nhiên, lượng thép Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam vẫn tăng rất mạnh. Theo đó, trong 5 tháng đầu năm 2023, lượng nhập các sản phẩm thép vào Việt Nam đạt hơn 5,06 triệu tấn; trong đó, lượng thép nhập khẩu từ Trung Quốc đã đạt hơn 2,65 triệu tấn, chiếm hơn 52% tổng sản lượng thép nhập khẩu từ tất cả các quốc gia.

Đặc biệt, trong tháng 3/2023, lượng thép nhập từ Trung Quốc tăng 146% so với tháng 3/2022.

Các chuyên gia nhận định việc nhập khẩu tràn lan có thể khiến khoảng 40.000 lao động của ngành thép trong nước mất việc làm. Ngoài ra, các doanh nghiệp phải chi ra hàng tỷ USD để nhập khẩu thép mỗi năm, trong khi hàng trong nước không bán được khiến việc kinh doanh thua lỗ nặng nề.

Theo VSA, tại Việt Nam hiện nay, gần như các sản phẩm thép đều có thuế nhập khẩu bằng 0%. Hơn nữa, các biện pháp phòng vệ thương mại như tự vệ phôi thép đã bị dỡ bỏ, các sản phẩm thép khác như tôn mạ, tôn màu, ống thép, thép dự ứng lực… đều không phải chịu bất cứ biện pháp phòng vệ thương mại nào.

Đồng thời, các sản phẩm thép cũng không nằm trong danh mục hàng hóa nhóm 2 theo quyết định của Bộ Công Thương, nên không thuộc đối tượng phải kiểm tra chuyên ngành về chất lượng sản phẩm hàng hóa.

Do vậy, việc nhập khẩu các sản phẩm thép vào Việt Nam không có quy trình kiểm tra chất lượng như các quốc gia khác, dẫn tới thép nhập khẩu đa dạng về chủng loại, chất lượng, chưa được đánh giá phù hợp với tiêu chuẩn Việt Nam, chưa có sự kiểm soát về chất lượng và chủng loại.

Để bảo vệ ngành sản xuất thép trong nước, mới đây VSA đã gửi đơn kiến nghị Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan xem xét xây dựng quy trình, thủ tục kiểm tra chất lượng thép nhập khẩu vào Việt Nam, tăng cường điều tra áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại phù hợp để hạn chế sản phẩm thép nhập khẩu cạnh tranh không lành mạnh.

Nguồn tin: PetroTimes

Thép Trung Quốc ‘ồ ạt’ vào Việt Nam

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *