Site icon Công ty Khôi Vĩnh Tâm™ – Thép – Inox – Lưới thép #Uy Tín #1 Đà Nẵng

Dự báo xu hướng thị trường thép TQ nửa đầu năm 2020

TỔNG KẾT THỊ TRƯỜNG NĂM 2019

          Thị trường thép Trung Quốc trong năm vừa qua ít biến động hơn so với những năm trước nhờ các yếu tố cung- cầu khá cân bằng. Bên cạnh đó, giá những tháng cuối năm duy trì đà tăng trưởng nhờ Chính phủ tăng kích thích kinh tế cũng như quan hệ thương mại Mỹ-Trung tiến triển tích cực, kết thúc bằng thỏa thuận đợt 1 sau một năm giằng co.

         Mặc dù giá thép duy trì ở mức cao, song lợi nhuận của các nhà sản xuất lại bị thu hẹp do chi phí đầu vào tăng cao, nhất là giá quặng do thiếu hụt nguồn cung,từ ảnh hưởng vụ vỡ đập tại mỏ khai thác của tập đoàn Vale SA tại Brazil hồi tháng 1/2019 cũng như do ảnh hưởng của trận lốc xoáy Veronica hồi cuối tháng 3.  Theo số liệu trên trang Businessinsider, giá quặng sắt đầu tháng 7 đã lên 121.87 USD/tấn, mức cao nhất trong vòng hơn 5 năm qua. Nếu tính trong 1 năm trở lại đây, giá đã tăng tới 86%. Điều này gây áp lực cho lợi nhuận của các nhà máy dù giá thép vẫn cao. Lợi nhuận trung bình HRC tháng 8 giảm xuống -18.40 USD / tấn và tại một thời điểm đã giảm xuống thấp đến mức – 40 USD / tấn.

Sang những tháng cuối năm 2019, giá thép cuộn tăng trưởng so với thép cây do nhu cầu thép xây dựng tương đối tốt hơn trước đó khiến các nhà máy chuyển đổi sản xuất HRC sang sản xuất thép cây. Điều này dẫn đến sự thiếu hụt HRC tạm thời, dẫn đến hàng tồn kho của HRC giảm xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm.

Năm 2019, sản lượng thép thô đạt mức 988 triệu tấn,  theo Li Xinchuang, giám đốc China Metallurgical Industry Planning and Research Institute. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ thép ở mức 886 triệu tấn. Tiêu thụ thép năm 2019 tăng trưởng hơn nhiều dự báo trước đó dựa vào sự tăng trưởng nhanh của đầu tư cơ sở hạ tầng và bất động sản, trong khi sản xuất công nghiệp nhìn chung ổn định, ông Li nói. Cũng trong năm, ngành thép Trung Quốc tiếp tục chứng kiến sự cải tổ với các quy định cắt giảm sản lượng, quy định về thay thế công suất cũng như các chính sách kích thích kinh tế của Chính phủ. Các yếu tố hỗ trợ này được đẩy mạnh về cuối năm, giúp giá tăng trưởng trong mùa đông dù là mùa tiêu thụ thấp điểm. Giá  thép xây dựng cũng như công nghiệp cuối năm 2019 không thay đổi nhiều so với năm trước đó, với thép cây xuất khẩu ở mức 480 USD/tấn FOB còn HRC thương phẩm dao động 485-500 USD/tấn FOB.

TRIỂN VỌNG THỊ TRƯỜNG NỬA ĐẦU NĂM 2020

             Thị trường thép nửa đầu năm 2020 dự sẽ tiếp nối đà tăng trưởng nhẹ từ cuối năm 2019 nhờ các chính sách kích thích kinh tế mới của Chính phủ cũng như căng thẳng thương mại được xoa dịu. Một phần của thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ được ký kết vào giữa tháng 1 này, có thể kéo niềm tin lên cao, kích thích đầu tư, chặn lại đà giảm thương mại và sản xuất. Các yếu tố trợ giá có thể kể đến gồm :

 _Thứ nhất, Bắc Kinh sẽ tiếp tục tung ra các biện pháp kích thích nền kinh tế gồm các chính sách tập trung vào cơ sở hạ tầng và tăng cường sức mua của người tiêu dùng thông qua cắt giảm thuế. Vừa qua, Ngân hàng trung ương đã công bố sẽ cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc xuống 50 điểm, kể từ ngày 06/01. Động thái này bơm vào hệ thống tài chính khoảng 800 tỷ NDT (115 tỷ USD). Ngành công nghiệp ô tô cũng có thể được hưởng lợi từ sự kích thích như vậy trong năm nay, thúc đẩy tiêu thụ thép. Nhu cầu thép của Trung Quốc dự kiến sẽ tăng trưởng 1% vào năm 2020, theo World Steel Association dự báo.

  _Thứ hai, căng thẳng thương mại tiến triển với thỏa thuận đợt 1 sẽ được ký kết vào ngày 15/1 tới. Theo các chuyên gia kinh tế và thương mại thì đó gần như là một chiến thăng vô cùng lớn đối với Bắc Kinh. Nếu thỏa thuận thương mại tiếp tục tiến triển, tiến tới giai đoạn 2, giai đoạn 3,…sẽ giúp thúc đẩy đầu tư cơ sở hạ tầng, bù đắp lại sự sụt giảm từ tiêu thụ suy yếu trong ngành bất động sản.

_Thứ ba, tăng trưởng sản lượng thép Trung Quốc chậm lại do nước này tiếp tục thực hiện việc tái cơ cấu thay thế công suất, cắt giảm nguồn cung. Đây là năm cuối nước này thực hiện chiến dịch cắt giảm sản xuất theo mục tiêu đề ra 5 năm. Trong khi đó, công suất sử dụng hiện đã trên 90% và không có thêm sự mở rộng công suất nào dựa vào các công ty nhỏ đã bị đóng cửa.

_Thứ tư, nhu cầu tiêu thụ tăng trưởng do Năm 2020 là năm cuối cùng của kế hoạch kinh tế 5 năm lần thứ 13 của Trung Quốc và thời điểm hoàn thành một số dự án cơ sở hạ tầng, sẽ hỗ trợ nhu cầu thép. Việc tăng tốc phát triển các dự án quy mô lớn như phát triển tổng hợp ở đồng bằng sông Dương Tử và phát triển phối hợp của Bắc Kinh, Thiên Tân, Hà Bắc và các dự án xây dựng vịnh lớn hơn Quảng Đông-Hồng Kông-Ma Cao sẽ bổ sung vào chi tiêu cơ sở hạ tầng. Các khu vực mới đang được xây dựng cho các dự án bất động sản đã tăng tốc trong nửa cuối năm 2019 và có thể sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2020.”Ít nhất trong nửa đầu năm 2020, vẫn sẽ có một số lượng lớn các cơ sở đang được xây dựng để hỗ trợ nhu cầu thép,” CSLPC nói.

_Thứ năm, chi phí sản xuất vẫn cao, với giá quặng tăng mạnh năm 2019 và tiếp tục neo giữ ở mức cao khi bước vào năm 2020 dựa vào vấn đề nguồn cung còn thiếu hụt. Bên cạnh đó, chi phí phế, than đá đều tăng so với trước dựa vào nguồn cung cũng được thắt chặt thông qua các quy định hạn chế khai thác, nhập khẩu…

Tuy nhiên, bên cạnh các nhân tố hỗ trợ thì thị trường vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, gây áp lực đến ngành thép do nền kinh tế giảm tốc vì Trung Quốc đang trong bối cảnh tái cơ cấu nền kinh tế để phát triển theo hướng bền vững hơn. “Quá trình chuyển đổi như trên sẽ khiến kinh tế giảm tốc, tuy nhiên tăng trưởng sẽ đạt chất lượng cao hơn”, theo ông Tao Zhang, Phó Tổng giám đốc của IMF cho biết. Cụ thể:

_Thứ nhất, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đang chậm lại, gây ảnh hưởng tiêu thụ thép. Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Toàn cầu, IMF cho biết tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm 2020 có thể chỉ đạt 5.8%, thấp hơn con số dự báo cho năm 2019 là 6.1%. “Nền kinh tế Trung Quốc đang giảm tốc, tiếp tục xu hướng tăng trưởng chậm lại bắt đầu từ vài năm về trước”, ông Tao Zhang, Phó Tổng giám đốc của IMF cho biết bên lề cuộc họp thường niên của Ngân hàng thế giới (World Bank) và IMF tại Washington ngày 19/10. Hay theo World Steel Association cảnh báo, tăng trưởng GDP cũng như tăng trưởng kinh tế nói chung giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 1992. “Chúng tôi dự báo nền kinh tế Trung Quốc sẽ xấu đi vào năm 2020 với những căng thẳng thương mại chưa được giải quyết làm tăng thêm áp lực. Nhiều khả năng chính phủ Trung Quốc sẽ tiếp tục tung ra các biện pháp kích thích đáng kể để giữ cân bằng giữa việc kiềm chế sự chậm lại và thúc đẩy chương trình nghị sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế”.

_Thứ hai, cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn còn bất ổn dù đã đạt được bước tiến quan trọng. Cuộc chiến này khởi xướng vào cuối tháng 3/2018, gây tổn thương tới nền kinh tế 2 nước . Sau khi hai bên liên tục đàm phán trong năm 2019 thì đang tiến gần đến việc ký kết thỏa thuận đợt 1 song giai đoạn hiện tại có thể coi chỉ là tạm tránh đổ vỡ, căng thẳng còn dài. Bất cứ động thái bất lợi hay trả đũa nào của hai bên sẽ tiếp tục gây bất ổn cho tâm lý thị trường, ảnh hưởng tới ngành thép.

_Thứ ba, áp lực cạnh tranh gia tăng tại các điểm đến chính của Trung Quốc, đặc biệt là thị trường Đông Nam Á ngày càng trở nên chật chội. Có thể kể đến các đối thủ chính như Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Ukraina, Qatar..trong đó thép Thổ Nhĩ Kỳ đặc biệt cạnh tranh, tiếp tục gây sức ép về giá.

_Thứ tư, chủ nghĩa bảo hộ toàn cầu gia tăng, kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại gây áp lực cho thị trường xuất khẩu thép Trung Quốc. Các quốc gia và vùng lãnh thổ lớn như Mỹ, EU, Ấn Độ và ASEAN đều đã áp dụng thuế quan và hạn ngạch cho thép nhập khẩu. Điều này sẽ cản trở khả năng xuất khẩu thép Trung Quốc, gây áp lực về giá.

Triển vọng giá thép

Thị trường gần bước vào lễ nghỉ tết Nguyên đán tuần cuối tháng 1 nên diễn biến im ắng, giá cả gần như không biến động. Tâm lý thị trường lạc quan sau khi thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung đợt 1 được ký kết từ ngày 15/1 sẽ thúc đẩy giá sau tết. Cộng vào đó, nhu cầu tiêu thụ dần cải thiện do người mua tăng tích trữ cho nhu cầu năm mới cũng như sau giai đoạn nghỉ lễ khiến việc thu mua bị gián đoạn.

Các chính sách môi trường hạn chế nguồn cung dự kiến cũng bắt đầu thực hiện sau tết giúp thúc đẩy tâm lý thị trường, hỗ trợ giá. Bên cạnh đó, thị trường có thể đón nhận các chính sách kích thích kinh tế mới từ Chính phủ như ban hành trái phiếu, chính sách tiền tệ khác giúp giá duy trì tăng trưởng. Tuy nhiên, giá dự kiến không tăng nhiều và sẽ biến động phạm vi hẹp do triển vọng kinh tế còn yếu. Dự kiến trong tháng 2-tháng 3, mức dao động giá thép cây xuất khẩu vào tầm 480-500 USD/tấn FOB trong khi HRC thương phẩm ở mức 510-530 USD/tấn FOB.

Sang tới tháng 4, giá cả vẫn được hỗ trợ do vào mùa tiêu thụ cao điểm truyền thống của ngành thép cộng với tồn kho thép giảm từ các đợt thu mua mạnh trước đó. Điều này có thể thúc đẩy giá tăng thêm 20-30 USD/tấn trong tháng. Tuy nhiên, nhu cầu tiêu thụ dự kiến sẽ dần chậm lại từ tháng sau đó do thị trường vào mùa mưa, ảnh hưởng tới các hoạt động xây dựng và vận chuyển thép. Giá cũng chịu áp lực từ nguồn cung gia tăng sau khi các nhà máy đẩy mạnh hoạt động sản xuất sau tết để kiếm lợi nhuận. Do đó, giá cả biến động và giảm trở lại trong tháng 5-tháng 6. Tuy nhiên, giá dự kiến chỉ giảm nhẹ nhờ việc cắt giảm sản lượng trong nước hỗ trợ tâm lý. Dự báo giá thép cây xuất khẩu tháng 5-tháng 6 vào tầm 480-500 USD/tấn FOB còn HRC thương phẩm dao động khoảng 500-520 USD/tấn FOB.

Quặng sắt

Quặng sắt sẽ tiếp tục là hàng hóa được giới đầu tư thế giới theo dõi chặt chẽ trong thời gian tới. Giá đã tăng cao trong năm 2019 do thiếu hụt nguồn cung,từ ảnh hưởng vụ vỡ đập tại mỏ khai thác của tập đoàn Vale SA tại Brazil hồi tháng 1/2019 cũng như do ảnh hưởng của trận lốc xoáy Veronica hồi cuối tháng 3, với giá quặng sắt đầu tháng 7 đã lên 121.87 USD/tấn, mức cao nhất trong vòng hơn 5 năm qua. Nếu tính trong 1 năm trở lại đây, giá đã tăng tới 86%.

Tuy nhiên, trong năm 2020, dự kiến giá quặng sẽ không có quá nhiều biến động như năm 2019 và giá cả trung bình giảm so với mức trung bình 91 USD/tấn của năm 2019 do các yếu tố sau:

Thứ nhất, sản lượng thép dự kiến không tăng quá nhiều nên nhu cầu không tăng đáng kể vì sản lượng thép hiện đã ở mức cao và Trung Quốc tiếp tục triển khai chính sách cắt giảm sản xuất.

Thứ hai, vấn đề nguồn cung, Vale sẽ có các biện pháp dần cải thiện nguồn cung năm nay trong khi các mỏ quặng Úc cũng dự báo tăng sản lượng. Vale đã phải mất khoảng 93 triệu tấn sau khi đập Brumadinho vỡ vào tháng 01/2019. Tuy nhiên, mỏ Brucutu có công suất 30 triệu tấn và một phần của mỏ Vargem Grande đã hoạt động trở lại vào tháng 6. Theo công ty, sản xuất năm 2020 dự kiến sẽ tăng 30 triệu tấn so với năm 2019 do dự án S11D sẽ hoạt động đầy đủ và mỏ Samarco sẽ hoạt động trở lại. Ngoài ra, công suất của các mỏ hiện tại như Vargerm Grande và Tim Bopeda sẽ mở rộng hơn nữa.

Tuy nhiên, giá cũng sẽ duy trì ở mức tương đối cao do nhu cầu tiêu thụ từ Trung Quốc ổn định, với sản lượng thép chiếm hơn nửa toàn cầu, trong khi sự phục hồi nguồn cung vẫn cần có thời gian.  Giá dự kiến ở mức trung bình 80 USD/tấn trong năm 2020, giảm từ mức 91 USD/tấn năm 2019.

Sản lượng thép thô và nhu cầu tiêu thụ thép

Sản lượng thép thô năm 2020 dự kiến vẫn sẽ ở mức cao song giảm so với mức kỷ lục 988 triệu tấn năm 2019, xuống còn tầm 981 triệu tấn, theo một tư vấn viên Chính phủ cho hay.

Sở dĩ sản lượng sẽ giảm nhẹ vào năm nay so với năm ngoái do Trung Quốc sẽ tiếp tục nỗ lực củng cố ngành thép và loại bỏ năng lực sản xuất lạc hậu trong năm cuối cùng của kế hoạch kinh tế 2016-20. Bên cạnh đó, trong năm 2020, sẽ không có thêm bất cứ việc mở rộng công suất nào từ các công ty nhỏ đã bị đóng cửa. Trong khi đó, sản lượng thép thô năm ngoái tăng xấp xỉ 88 triệu tấn so với năm 2018, kết quả từ việc tối đa hóa công suất, sự thêm vào công suất thay thế dựa trên các công suất đã đóng cửa trong giai đoạn 2016-2018 . Hay nói cách khác, một phần trong công suất 150 triệu tấn bị đóng cửa từ năm 2016-2018 đã tái hoạt động, dẫn tới sự gia tăng 31.5 triệu tấn. Các công suất này được tin là từ các nhà máy nhỏ, dẫn tới biến động giá cả. Theo thống kê từ Hiệp hội sắt thép Trung Quốc, sản lượng thép thô Trung Quốc tăng trưởng ở mức 10% do sản lượng các nhà máy nhỏ tăng kể từ tháng 8/2018.

Tuy nhiên, khối lượng của các nhà máy nhỏ đã không tăng kể từ tháng 5/2019 và tốc độ tăng trưởng giảm kể từ tháng 8. Trong các nhà máy nhỏ bị đóng cửa, công suất tái hoạt động đã có trong năm 2019 nên sẽ không có thêm gia tăng công suất vào năm nay.

Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ thép năm nay dự báo tăng trưởng 2% nhờ sự gia tăng đầu tư vào cơ sở hạ tầng bù đắp lại sự sụt giảm từ ngành bất động sản. Chính phủ sẽ tăng cường phát hàng trái phiếu, hình thức được sử dụng trong đầu tư cơ sở hạ tầng mà nó đã tăng vọt 116% vào tháng 8/2019 so với năm trước đó, và Ngân hàng trung ương cũng khuyến khích đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng.

 

KẾT LUẬN

 Thị trường thép Trung Quốc nửa đầu năm 2020 dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng cả về giá thép lẫn lợi nhuận dựa vào giá nguyên liệu thô giảm. Trong nửa đầu năm nay, Chính phủ sẽ tiếp tục thúc đẩy các chính sách kích thích kinh tế, tăng trưởng cơ sở hạ tầng trong bối cảnh tâm lý thị trường được xoa dịu sau khi Mỹ-Trung ký kết thỏa thuận một phần. Tuy nhiên, mức tăng cũng hạn chế do tiêu thụ ổn định trong khi sản lượng thép vẫn ở mức cao. Giá xuất khẩu các mặt hàng thép cây và HRC dự báo tăng trưởng trong 4 tháng đầu năm trước khi giảm nhẹ trở lại vào 2 tháng cuối Q2 xuống khoảng 480-500 USD/tấn FOB cho thép cây còn HRC thương phẩm dao động khoảng 500-520 USD/tấn FOB.

Lưu ý:  Dự báo trên chỉ mang tính tham khảo. Quý khách hàng nên tham khảo thêm nhiều nguồn tin khi quyết định mua bán.

Nguồn tin: Satthep.net

 

 

Dự báo xu hướng thị trường thép TQ nửa đầu năm 2020
Exit mobile version