Nhờ triển khai các giải pháp, đầu tư sản xuất thép xanh, mỗi năm các nhà máy thép tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng thông qua thu hồi nhiệt, khí thải để phát điện, tái sử dụng, góp phần bảo vệ môi trường.

Đầu ra của công đoạn trước là đầu vào của công đoạn sau

Cục Bảo vệ môi trường miền Trung và Tây Nguyên (Tổng Cục Môi trường – Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, hiện tại, trên địa bàn khu vực các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên (14 tỉnh từ Quảng Bình đến Khánh Hòa và 5 tỉnh Tây Nguyên) có 3 cơ sở sản xuất thép đang hoạt động thuộc đối tượng do Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, cấp phép nhập khẩu phế liệu, gồm: Khu liên hợp sản xuất gang thép Dung Quất của Công ty Cổ phần thép Hòa Phát Dung Quất tại tỉnh Quảng Ngãi (công suất 4 triệu tấn/năm), Công ty Cổ phần thép Đông Nam Á tại tỉnh Đắk Lắk (công suất 500.000 tấn/năm) và Công ty Cổ phần thép Đà Nẵng (với công suất 180.000 tấn/năm)…

Về công nghệ sản xuất, Công ty Cổ phần thép Đà Nẵng còn sản xuất phôi thép từ sắt thép phế liệu bằng công nghệ lò điện hồ quang (EAF); Công ty Cổ phần thép Đông Nam Á sử dụng công nghệ lò điện Trung Tần.

Còn Dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất đang sử dụng công nghệ Lò cao – Lò thổi (BF-BOF). Đây là công nghệ có dây chuyền sản xuất tiên tiến, hiện đại, quy trình sản xuất khép kín liên hoàn (đầu ra của công đoạn trước là đầu vào của công đoạn sau), các sản phẩm phụ tạo ra đều được thu hồi làm nguyên liệu sản xuất cho các công đoạn. Do đó, trong quá trình sản xuất đã hạn chế rất nhiều việc phát thải nước thải, khí thải và chất thải rắn tới môi trường.

 

Đối với công tác bảo vệ môi trường, Cục Bảo vệ môi trường miền Trung và Tây Nguyên cho biết, cơ bản các cơ sở sản xuất thép đã chấp hành tốt các thủ tục hành chính về bảo vệ môi trường như được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, cấp giấy xác nhận các hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường và cấp giấy phép nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất.

Các cơ sở đã cơ bản đầu tư xây dựng các công trình bảo vệ môi trường như các trạm xử lý nước thải; thiết bị xử lý khí thải; lắp đặt các trạm quan trắc tự động liên tục đối với khí thải và nước thải để kiểm soát chất lượng trước khi thải ra môi trường; xây dựng các khu vực lưu chứa tạm đối với chất thải rắn và chất thải nguy hại trước khi chuyển giao xử lý.

“Nhìn chung các cơ sở hiện nay đều có xu hướng hạn chế, tận dụng tối đa nguồn thải để tái sử dụng cho quá trình sản xuất nhằm tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường”, đại diện Cục Bảo vệ môi trường miền Trung và Tây Nguyên cho biết.

Vị đại diện Cục Bảo vệ môi trường miền Trung và Tây Nguyên dẫn chứng, tại Khu liên hợp sản xuất gang thép Dung Quất, toàn bộ nước thải sau hệ thống xử lý và được tuần hoàn tái sử dụng cho quá trình sản xuất; khí thải phát sinh sau xử lý được thu hồi để đốt phát điện hoặc xử lý đảm bảo đạt quy chuẩn Việt Nam trước khi thải ra môi trường, riêng tại khu vực máy thiêu kết được lắp đặt hệ thống xử lý đioxin furan và NOx; xỉ từ lò cao được bán cho các đơn vị có chức năng để tái sử dụng; xỉ lò thổi sau khi thu hồi tạp chất thép được chứng nhận hợp chuẩn cho công trình xây dựng và công trình giao thông…

Ngoài ra, công tác quan trắc môi trường, báo cáo tình hình bảo vệ môi trường và các hoạt động bảo vệ môi trường khác của các cơ sở cũng được thực hiện thường xuyên theo đúng cam kết và yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước.

Ông Nguyễn Đức Trung – Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ngãi cho biết: “Khu liên hợp sản xuất gang thép Dung Quất được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường nên dự án hoàn toàn đảm bảo về công tác bảo vệ môi trường”.

Những giải pháp để sản xuất thép “xanh”

Nói thêm về các giải pháp công nghệ trong việc bảo vệ môi trường, ông Trần Tuấn Dương – Tổng Giám đốc Tập đoàn Hòa Phát cho biết, khi sản xuất hàng triệu tấn thép ở Dung Quất, quy trình này sẽ làm sản sinh ra một lượng nhiệt rất lớn. Tuy nhiên, Hòa Phát sử dụng công nghệ của Đức, chuyển hóa lượng nhiệt dư khổng lồ này thành đầu vào để sản xuất điện với nhà máy có công suất lên tới 240MW. Với quy trình đó, Hòa Phát tự chủ được 80% lượng điện cần thiết cho sản xuất thép, và chỉ cần mua 20% của EVN.

Năm 2020, Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất sử dụng gần 1,6 tỷ KWh điện năng, trong đó 1,2 tỷ KWh do công ty tự sản xuất được. Điều này đồng nghĩa tỷ lệ điện tự chủ sản xuất đã đạt gần 80%. Tính một cách tương đối, chi phí tiết kiệm được nhờ giải pháp thu hồi nhiệt, khí thải ở các khu liên hợp thép của Hòa Phát từ năm 2021 trở đi nằm trong khoảng 4.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, Hòa Phát cũng áp dụng nhiều biện pháp để xử lý bụi phát sinh trong sản xuất như như lọc bụi tĩnh điện, lọc bụi túi vải, lọc bụi ướt, xây dựng hệ thống tường bao, trồng cây xanh để chống phát tán bụi, tiêu âm…

Bên cạnh đó, xỉ hạt lò cao nghiền mịn là sản phẩm phụ của quá trình sản xuất gang thép theo công nghệ lò cao khép kín. Nhờ được làm lạnh cực nhanh bằng nước áp lực cao, xỉ hạt lò cao là một loại phụ gia khoáng hoạt tính rất tốt cho xi măng, bê tông và đã được sử dụng từ rất lâu trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Sản phẩm xỉ hạt lò cao nghiền mịn S95 góp phần xử lý triệt để chất thải rắn trong quá trình sản xuất thép xanh của Hòa Phát, vừa bảo vệ môi trường cũng như tạo thêm nguồn thu ổn định cho Tập đoàn Hòa Phát.

Nguồn tin: Dân trí

Tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm nhờ công nghệ sản xuất thép “xanh”

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *